Một đi không trở lại vì… sợ khỉ
Những ngày cuối tuần tại bán đảo Sơn Trà (P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng), đoạn đường Hoàng Sa từ bãi Bụt lên bãi Bắc tấp nập người vãn cảnh. Len lỏi trong mỗi bước đi của du khách, những con khỉ từ trên núi cũng kéo xuống đường nhựa để tìm đồ ăn. Chúng tỏ ra rất dạn dĩ, sẵn sàng bám lấy chân tay du khách khi được cho ăn. Thậm chí, một số con nhảy hẳn lên người, cướp giật đồ ăn hay bất cứ vật gì có thể lấy được khiến nhiều du khách bực bội.
Giữ khư khư trên tay bịch bánh quy, bé T.K.Đ (8 tuổi, cùng gia đình từ Hà Nội đến Đà Nẵng du lịch) vừa bước vội theo chân mẹ, vừa dáo dác nhìn xung quanh vì sợ lũ khỉ. Thấy đàn khỉ tràn xuống khá đông và không hề có biểu hiện sợ hãi, lao tới níu áo vị khách đi trước, chị Hải Anh (mẹ bé K.Đ) vội vàng bế con lên.
“Lúc đầu thấy lũ khỉ, mấy đứa trẻ thích lắm, còn tính tới cho ăn, nhưng khỉ ở đây dữ quá. Nãy có bé kia lớn rồi, chắc học sinh cấp 3, đeo dây gắn ốp điện thoại trên ngực mà vì không cho đồ ăn, con khỉ lao tới giật cái điện thoại luôn, làm con bé bị xước cả cổ. Con tôi thấy thế sợ quá nép vào tôi đòi bế luôn”, chị Hải Anh kể.
Lâu nay, đàn khỉ tại Sơn Trà đã quen được du khách cho ăn, chúng kéo bầy ngày càng đông hơn xuống sân chùa Linh Ứng (bãi Bụt). Khi lượng thức ăn du khách cho không đáp ứng được nhu cầu, hàng trăm con khỉ tìm đến khu vực bãi rác sau chùa để bới tung lên, tìm kiếm đồ ăn.
Bà Xuân, làm công quả ở chùa Linh Ứng, cho biết tình trạng đàn khỉ gồm các loại khỉ đít đỏ, khỉ đầu chó và khỉ mặt đỏ… tập trung tại bãi rác chùa Linh Ứng tìm thức ăn, quấy nhiễu du khách bắt đầu diễn ra từ khoảng đầu năm 2018. Hầu như ngày nào cũng có vụ khỉ tấn công người dân. Có những ngày xảy ra tới 4 – 5 vụ du khách bị tấn công khi cho khỉ ăn.
“Rất may họ chỉ bị chảy máu ngoài da và chấn thương nhẹ. Trước đây, do du khách đến quá gần khỉ, chọc ghẹo nên chúng phản ứng lại, giờ thì do khách cho ăn nhiều quá khỉ quen nên xuống suốt. Không được ăn là đòi và tấn công du khách. Nhà chùa trước đây đã phải quây thùng rác lại để tránh khỉ bới, phá thùng rác gây mất mỹ quan và nguy cơ lây lan mầm bệnh”, bà Xuân nói.
Bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng không phải điểm đến duy nhất đang khốn khổ vì khỉ. Tại TP.HCM, Cần Giờ từng nổi tiếng với đảo khỉ nhưng giờ thì đây lại là điều khiến rất nhiều du khách sợ hãi. Nhớ lại câu chuyện cách đây 4 năm, chị Hằng Nga (ngụ Q.11, TP.HCM) vẫn chưa khỏi rùng mình vì độ tinh quái và táo tợn của lũ khỉ tại Cần Giờ. Cầm trên tay gói snack, vừa bước tới đảo khỉ, con trai 10 tuổi của chị đã bị một con khỉ lao tới cướp.
Quá bất ngờ, em bé theo phản xạ giật lại thì bị khỉ quào xước tay. Hai mẹ con chưa kịp định thần thì một con khỉ khác lao tới giật luôn cái kính trên cổ áo chị Nga. Chị càng đuổi, con khỉ càng chạy sâu vào rừng rồi leo tót lên cây cao. Thấy vậy, một số nhân viên bảo vệ có kinh nghiệm chỉ chị Nga mua một gói đồ ăn đổi lấy kính. Từ trên cao, con khỉ tay giữ khư khư cái kính, mắt thì liếc theo quan sát từng hành động của nạn nhân. Chỉ đến khi bịch đồ ăn được chị Nga bày yên vị trên tấm gỗ, con khỉ mới chịu thả cái kính xuống vũng bùn bên dưới rồi lao xuống chộp lấy thức ăn.
“Quá kinh khủng, tôi không tin được khỉ ở đây lại ranh ma tới mức như vậy. Không cho ăn thì cướp đã đành, giờ còn biết giở trò “bắt con tin” để đổi lấy đồ ăn. Đó là lần đầu cũng như lần cuối tôi đưa con đi đảo khỉ Cần Giờ. Con tôi giờ nghe thấy đi xem khỉ dù ở bất cứ đâu cũng sợ mất vía”, chị Hằng Nga chia sẻ.
Hệ quả từ thú vui sai cách
Tình trạng đàn khỉ trở thành “tướng cướp”, nguyên nhân chính được chỉ ra là do hành vi chọc ghẹo và cho ăn vô tội vạ của du khách. Bất chấp nhiều biển báo cấm cho khỉ ăn, du khách vẫn thường xuyên mua đồ ăn từ hàng rong như kem, dừa, hoa quả, bánh kẹo… để dụ khỉ rồi lấy điện thoại quay phim, chụp hình. Thậm chí nhiều người còn áp dụng câu thành ngữ “rung cây dọa khỉ” theo đúng nghĩa đen, làm nhiều hành động mang tính khiêu khích, dọa nạt để làm vui. Những hành vi này đã vô tình khiến loài khỉ trở nên dạn dĩ, hung hăng hơn, quen với sự xuất hiện của con người, quen với việc được cho ăn và quen cả khẩu vị đồ ăn của con người.
Ông Phan Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng), nhận định: Việc người dân, du khách cung cấp thức ăn cho khỉ, dẫn đến loài động vật này rất dạn người. Không chỉ tấn công du khách hay quậy tung thùng rác, các cá thể khỉ này giờ còn xông vào tận ban thờ Phật để lấy đồ ăn, bẻ tay tượng Phật… Thời gian gần đây, khỉ còn di chuyển đến các trục đường xung quanh bán đảo Sơn Trà, xuống các khu dân cư, vào trụ sở các cơ quan, đơn vị trong rừng, ven rừng trên bán đảo để phá phách, lấy thức ăn, tấn công người, dẫn đến xung đột giữa người và động vật.
Người dân địa phương tại P.Thọ Quang dưới chân bán đảo Sơn Trà cũng than phiền về việc bị khỉ phá vườn cây, xông vào tận nhà tìm đồ ăn. Khỉ không còn chỉ bới tìm thức ăn tại một số khu vực có các miếu hay thờ cúng mà nhiều bầy khỉ với số lượng lớn ngồi chờ trên đường đi của du khách để xin thức ăn (khu vực gần bãi Bắc, đường Lê Văn Lương, chùa Linh Ứng). Thấy vậy, một số du khách khi tham quan trên bán đảo Sơn Trà lại tiếp tục mang theo thức ăn cho khỉ và tập trung đông người, dừng đỗ phương tiện ngay trên đường để tham quan ngắm khỉ. Điều này đã làm mất an toàn giao thông và gây ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự.
“Nguy hiểm hơn là gia tăng mức độ khỉ tấn công, gây thương tích cho du khách. Ngoài ra còn có một số trường hợp, để xuống đường xin đồ ăn, khỉ đã leo trèo lên trụ điện, bị điện giật ngã xuống đất chết hoặc bị thương tật. Đây là tình trạng vô cùng đáng báo động”, ông Phan Thế Dũng nói.
Ông Phan Minh Hải, Phó ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, nhấn mạnh: Việc khách tham quan cho khỉ ăn làm thay đổi bản năng, tập tính kiếm ăn của khỉ và động vật hoang dã. Nguồn thức ăn không phù hợp ảnh hưởng đến sức khỏe của các loài động vật, khách tiếp xúc gần có nguy cơ bị động vật hoang dã tấn công, gây nguy hiểm môi trường và ảnh hưởng xấu hệ sinh thái. Không chỉ trực tiếp cho khỉ ăn, nhiều người còn để lại các gói đồ ăn, xả rác bừa bãi dọc tuyến đường, để khỉ lục tìm thức ăn, dẫn đến tình trạng rác vương vãi dọc cung đường du lịch, gây mất mỹ quan. Đáng chú ý, mặc dù các nhân viên Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cùng Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn liên tục đi dọc tuyến đường này để tuyên truyền, nhắc nhở không cho khỉ ăn, nhưng khi vắng bóng nhân viên chức năng thì tình trạng nói trên tiếp tục tái diễn.
Ban quản lý thường xuyên cử nhân viên hoặc phối hợp với lực lượng Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn thực hiện công tác tuần tra, nhắc nhở du khách tại tuyến đường từ nút giao thông Lê Đức Thọ đến bãi Bắc, khuôn viên chùa Linh Ứng, đặc biệt tăng cường vào các giờ cao điểm trong ngày (buổi sáng từ 7 giờ 30 – 10 giờ 30, buổi chiều từ 15 – 17 giờ) và các ngày cuối tuần. Song, lực lượng không thể trải dài suốt tuyến đường và túc trực 24/7 để nhắc nhở. Do đó, ý thức tự giác của người dân là vô cùng quan trọng.
Ông Phan Minh Hải (Phó ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng)