Những “chiếc bẫy ngọt ngào” từ việc cho khỉ ăn
Theo các chuyên gia về sinh thái học, khỉ là loài động vật có tập tính xã hội giống như con người. Trong tự nhiên, chúng sống theo nhóm từ 15 – 30 con. Cấu trúc xã hội và hành vi của chúng phức tạp gần bằng chúng ta. Một nghiên cứu chỉ ra khỉ ăn 186 loại thực vật khác nhau (trong số 300 loài nghiên cứu) gồm cả lá non, chồi non và hoa. Ngoài ra, khỉ còn ăn các loài động vật như bò sát nhỏ, nhện và côn trùng. Có thể thấy những chú khỉ ở nơi hoang dã có rất nhiều thức ăn tự nhiên. Chúng đã sống trong rừng từ rất lâu trước khi con người đến. Chính vì thế, suy nghĩ con người cho khỉ ăn vì sợ chúng đói là hoàn toàn sai. Hơn thế, bằng cách ăn trái cây và thức ăn tự nhiên, khỉ cũng giúp rừng tái sinh và đảm bảo sự cân bằng trong hệ sinh thái tự nhiên.
TS sinh thái học Hà Thăng Long khẳng định: Việc con người cho khỉ ăn đã ảnh hưởng đến tập tính kiếm ăn tự nhiên của loài. Những cá thể này sẽ suy giảm khả năng kiếm ăn trong tự nhiên và phụ thuộc vào nguồn thức ăn từ con người cung cấp, dẫn đến hành vi tiếp cận con người (người dân, du khách) để tìm kiếm thức ăn.
“Bên cạnh đó, nguồn thức ăn do con người cung cấp cho khỉ như sữa, bánh ngọt, trái cây, các thức ăn công nghiệp, đóng gói giàu dinh dưỡng hơn rất nhiều so với thức ăn tự nhiên, tác động trực tiếp đến sự sinh trưởng, quá trình sinh sản của khỉ, dẫn đến quần thể khỉ tăng trưởng nhanh hơn về số lượng, có nguy cơ gây mất cân bằng tự nhiên”, TS Hà Thăng Long khuyến cáo.
Thực tế, sự thay đổi tập tính của loài khỉ không chỉ kéo theo những hệ lụy như khỉ trở nên dạn dĩ hơn, tinh quái hơn, làm phiền tới hành trình tham quan của du khách tại những khu du lịch sinh thái, mà còn vô hình trung đẩy lũ khỉ đến bờ vực diệt vong. Ông Madhavan Kannan, nguyên Giám đốc Trung tâm kiểm soát và bảo vệ động vật thuộc Cơ quan Nông nghiệp, thực phẩm và thú y Singapore, gọi hành vi cho khỉ ăn của du khách thực chất là những chiếc bẫy từ nghĩa đen cho tới nghĩa bóng.
Trong một bài viết trên trang web về tự nhiên Wildsingapore, ông Madhavan Kannan phân tích: Khi được cho ăn, khỉ thích sự bố thí dễ dàng từ con người và sẽ ngừng tìm kiếm thức ăn trong rừng. Chúng đợi dọc theo các con đường ở rìa rừng trong “giờ ăn”. Chúng lao về phía những chiếc xe đang đến gần và thường bị đâm ngã. Cơ quan chức năng đã ghi nhận hàng chục con khỉ được báo cáo là bị giết trên các con đường gần ranh giới khu bảo tồn. Con số thực tế có thể còn nhiều hơn và ngày càng gia tăng. Đáng sợ hơn, khi lũ khỉ vì muốn đòi thức ăn mà trở nên quá hung dữ, đột nhập vào tận nhà đe dọa đời sống của người dân gần khu vực các khu bảo tồn, chúng có thể sẽ phải bị tiêu hủy. Tại Singapore đã ghi nhận có tới 80 con khỉ bị tiêu hủy mỗi năm vì chúng trở nên quá hung dữ.
“Những con khỉ này đã rời khỏi đàn của chúng vì không phù hợp với đàn. Chúng tôi không thể xác định được môi trường sống ban đầu của chúng. Việc đưa những con khỉ này trở lại rừng sẽ gây nguy hiểm cho chúng vì đàn không chấp nhận. Đơn độc, không có nhóm, chúng không có khả năng sống sót”, ông Madhavan Kannan lý giải vì sao những con khỉ hung dữ sẽ phải bị tiêu hủy.
Càng nhắc nhở, số người vi phạm càng tăng
Du khách cho khỉ ăn để có thể tiếp xúc gần, nhìn kỹ hơn hoặc để có những bức hình độc lạ với sinh vật hấp dẫn này. Một số người khác thì nghĩ rằng khỉ đang đói, cần phải cho chúng ăn. Trong khi nhiều người đã hình thành phản xạ không điều kiện rằng cứ đi xem khỉ, xem thú là phải cho đồ ăn… Nhưng dù vì bất cứ lý do gì, hành vi cho động vật hoang dã ăn một cách vô tổ chức đều bị cấm dưới mọi hình thức. Điều đáng nói là dù các điểm du lịch như Sơn Trà (Đà Nẵng) hay Cần Giờ (TP.HCM) đều đã gắn bảng khuyến cáo không cho khỉ ăn tại một số địa điểm khỉ thường hay kéo xuống, đồng thời ra quân tuyên truyền, vận động người dân, nhưng đều không hiệu quả.
Điển hình, trước tình trạng khỉ lại kéo đàn xuống đường xin ăn, Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đã phối hợp với các đơn vị chức năng và đội tuần tra liên ngành của quận thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo, nhắc nhở du khách không được cho khỉ ăn khi tham quan trên bán đảo Sơn Trà. Không chỉ trực tiếp tuyên truyền, lực lượng kiểm lâm còn làm việc, yêu cầu các đơn vị quản lý các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phải thường xuyên nhắc nhở du khách không cho khỉ ăn trong phạm vi quản lý.
Lực lượng phối hợp còn sử dụng mã QR code dán tại các tại trạm gác của Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà, các bãi biển du lịch Đà Nẵng nơi du khách dừng, đăng ký trước khi đi lên bán đảo Sơn Trà để tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người dân và du khách không cho khỉ và động vật hoang dã thức ăn khi tham quan; khuyến cáo để tránh nguy cơ bị khỉ, động vật hoang dã tấn công. Thế nhưng số lượng du khách, người dân bị nhắc nhở không những không có cải thiện mà còn liên tục tăng qua từng năm.
Ông Phan Minh Hải, Phó ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, thừa nhận do hiện nay chưa có chế tài về xử phạt đối với hành vi cho khỉ ăn, chỉ có thể xử phạt các hành vi ngược đãi, săn bắt khỉ nên cơ quan chức năng cũng không thể đặt bảng cấm mà chỉ gắn bảng với các nội dung tuyên truyền, khuyến cáo, cảnh báo. Thời gian qua, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà đã áp dụng thêm biện pháp mạnh mẽ hơn như lập biên bản nhắc nhở gửi về địa phương, nhưng chưa có chế tài nên khó có thể xử lý dứt điểm tình trạng này trong thời gian ngắn.
“Vừa qua, Ban quản lý đã phối hợp với các đơn vị chức năng UBND Q.Sơn Trà, Công an Q.Sơn Trà, Chi cục Kiểm lâm, Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn, các nhà khoa học về đa dạng sinh học…, đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước mắt, chúng tôi và các đơn vị sẽ phối hợp triển khai chiến dịch tuyên truyền mở rộng ra ngoài bán đảo Sơn Trà, như cửa ngõ thành phố, sân bay, nhà ga… để du khách tiếp cận được thông tin khi đến TP.Đà Nẵng.
Các hình thức tuyên truyền sẽ được xây dựng đa dạng, mở rộng đối tượng, đặc biệt là ở trường học để nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên, nhằm cắt nguồn thức ăn xấu hiện nay đang tác động đến hành vi, tập tính của khỉ… Còn tại bán đảo Sơn Trà, các vị trí du khách thường xuyên cho khỉ ăn sẽ được gắn camera giám sát, loa khuyến cáo. Về lâu dài, chúng tôi đang tham vấn các nghiên cứu chuyên sâu của các nhà khoa học, tổ chức động vật để có các giải pháp hiệu quả, nhất là nghiên cứu và bổ sung chế tài xử phạt hành chính”, ông Phan Minh Hải thông tin thêm.
Theo số liệu từ Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn, năm 2022, lực lượng phối hợp nhắc nhở gần 1.800 lượt du khách; năm 2023 nhắc nhở gần 2.600 lượt du khách. 7 tháng đầu năm 2024, số du khách bị nhắc nhở đã lên tới gần 1.300 lượt.